Triều đại Romanov Tập 2: Fyodor Alekseyevich - Sofia Alekseyevna

  • 8 years ago
Tập 2: Fyodor Alekseyevich - Sofia Alekseyevna
Được Sofia chấp thuận, Golitsyn vạch ra một kế hoạch ảo tưởng vào thời ấy về tái tổ chức đất nước, đi trước thời đại không dưới 150 năm. Điểm chính của nó là hủy bỏ chế độ nông nô. Tuy nhiên, dự án này không được thành hiện thực. Vao thời ấy, một hành động như vậy sẽ dẫn tới việc giới quý tộc đồng loạt nổi loạn. Người đương thời gọi Công tước Vasily Golitsyn là "Vĩ đại". Ông là người hướng Tây phương, nói lưu loát được 5 ngoại ngữ, là nhà ngoại giao vĩ đại, có kiến thức sâu sắc và đầu óc quốc gia. Ngoài ra, ông là người đẹp trai nhất Moskva. Sofia yêu ông say đắm. Cô thường viết những lá thư dịu dàng gửi ông hầu như mỗi ngày. "Cha của ta, ta mạnh khỏe là nhờ ngài cầu nguyện. Còn ngài, ánh sáng của ta, đừng đứng nhiều thế. Làm thế mệt sức lắm. Ta biết cách nào trả công cho ngài đây, cho tất cả những gì ngài đã làm, ánh sáng của ta ạ, vì những điều ngài làm thì chẳng ai khác có thể làm nổi". Golitsyn đề nghị Sofia thông qua thỉnh nguyện của Fyodor em trai mình. Tuy vậy, Sofia không hiểu hết ý nghĩa và tầm vóc của nó. Ngoài ra, cô không thể vượt qua nổi các chống đối của đám boyar. Tuy thế, Sofia đã cho lập cơ sở giáo dục bậc cao đầu tiên trên toàn nước Nga - Học viện Slavonic-Greek-Latin trên căn bản học viện do Fyodor anh trai mình lập ra. Các học giả Hy Lạp nổi tiếng trở thành các giáo sư đầu tiên của Viện. Việc học kéo dài 12 năm và sinh viên được chia thành 8 lớp. Các môn chính gồm tiếng Hy Lạp, Latin, ngữ pháp, tu từ, triết học và thần học. Học viện đặt trong Tu viện Zaikospassky trên phố Nikolskaya. Hiện nay đây là tòa nhà của Đại học Nhân đạo Quốc gia Nga. Đại học Quốc gia Nga mang tên Lomonosov, Học viện Khoa học và Học viện Tăng lữ Moskva phát triển lên từ nó.
Đến 1686, đã tới lúc gia hạn Hòa ước với Ba Lan. Nhờ nỗ lực của Tể tướng Golitsyn và các nhân viên của ông, sau các đàm phán dài và mệt mỏi, cái gọi là Hòa ước Vĩnh viễn giữa Nga và Ba Lan được ký kết tại Moskva ngày 6/5. Đó là thành tựu của chính sách đối ngoại vương quốc trong suốt thế kỷ 17. Hòa ước này rất có lợi cho Nga. Nga có được lãnh thổ các vùng Smolensk và Chernigov cũng như tả ngạn Ukraina, Zaporozhe và Kiev. Tuy nhiên, Hòa ước Vĩnh viễn có một điều khoản bổ sung. Nga phải tham gia Liên minh Thần thánh chống Thổ của các nước Châu Âu và được giao phải đánh Hãn quốc Crimea, đồng minh của Thổ.